Esênpro

Tìm hiểu về người NÙNG ở VIỆT NAM! Coppyright by đức hoàng

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

hát sli để giữ hồn dân tộc (nùng)

 

  
cô HÀ MAI VEN
cô hà mai ven đang dậy con gái hát sli

Cô Hà Mai Ven, người được coi là “nghệ nhân sli” khẳng định như vậy khi nói về việc gìn giữ và lưu truyền điệu hát đặc trưng của người Nùng xứ Lạng
Tôi tìm đến nhà cô Hà Mai Ven (xóm Pò Nghiều, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đúng lúc đang có tiếng đàn tính trầm bổng. Vừa vào tới cửa nhà, người phụ nữ trạc “ngoại tứ tuần” đón khách bằng nụ cười hồn hậu: “Chú đến nghe đàn hay gặp ai?” – “Cháu vừa muốn nghe đàn vừa muốn gặp cô Hà Mai Ven chuyên hát sli ạ”. – Tôi đáp. kéo rộng cánh cửa, rồi đon đả mời: “Vào nhà uống nước đã nào...”.

Vào hẳn trong nhà, tôi nhận ra tiếng đàn tính đang trầm bổng là do cô gái ngồi phía trong đàn vọng ra. Thấy tôi tỏ ra tò mò, bà Ven bảo: “Con út nhà tôi đấy mà... Nó đàn hay hơn mẹ rồi...”.

Tôi ngỏ lời muốn tìm hiểu về điệu Sli của người Nùng xứ Lạng, bà Ven như được dịp trải lòng.

Từ học lỏm sli...

Theo giải thích của cô Hà Mai Ven: Cùng gọi là Sli nhưng Sli của các nhánh dân tộc Nùng có sự khác nhau. Chẳng hạn, với nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu; Nùng Phản Slình có Sli Phản Slình... Mỗi làn điệu lại có cách thể hiện thế giới tâm hồn riêng thông qua những câu Sli. Nhưng, tất cả đều giống nhau ở cách biểu diễn là hát xướng.
Nội dung của hát sli phong phú và hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Nùng. Từ những hiện tượng tự nhiên như ngày tháng, trăng sao, cây cỏ, núi đồi,… đến các hiện tượng lịch sử, xã hội, lời mời chào,... đều có thể hát sli. Đặc biệt, đồng bào Nùng thường hát sli khi dịp Tết đến xuân về, khi đám gả cưới, lễ hội hay dịp mừng vui nào đó.... Khi điệu Sli vang lên trầm bổng là đồng bào đang đắm mình trong tiếng lòng của chính mình.

Chẳng hạn, với niềm vui mừng ngày sinh nhật, người Nùng có bài “Mừng sinh nhật”. Trong đó, có đoạn: “… vằn đay chảng phốc slẩu khay khoăn/ phúc lục mì đo cúng đảy pằng/ luục lan lừn cúng mì hảo ý/ tò hạ hất hử cống vằn khoăn…”(Nghĩa là: … ngày lành tháng tốt mừng sinh nhật/ con cái nhà ông hiếu thảo lành/ tiền của gia đình không mấy tiếc/ mong sao trả được công dưỡng nuôi…).

Cô khẽ cười, kể: “Tôi là người Nùng Cháo có điệu Sli Sình Làng. Từ khi còn nhỏ, tôi thường được nghe các anh chị, các cô, các bác ở trong làng thường hát Sli Sình Làng. Đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú thường chia làm 2 nhóm (1 nhóm nam, 1 nhóm nữ) ngồi hát đối đáp với nhau. Ban đầu tôi tò mò nghe, rồi học lỏm hát theo. Dần dần, tôi thuộc nhiều bài Sli và mê mẩn nó lúc nào không hay”.

Và cứ thế, hằng ngày, cô bé Ven ngày ấy thường nhẩm hát Sli, rồi mỗi khi trong làng, trong xã có hát hò là đến xem và tranh thủ học lỏm. Chỗ nào không hiểu, không nhớ là hỏi các cụ bề trên, các anh, chị trong làng. Người biết ít thì dạy truyền miệng cho một vài câu, người biết nhiều thì dạy vài bài. Điều đặc biệt là “mặc dù thời điểm đó, nhiều bạn bè cùng trang lứa đua nhau đi học hát tiếng kinh, mặc quần áo và dùng đồ đạc của người kinh. Có người còn bảo tôi “dở” khi cứ học cái “cổ lỗ sĩ”. Có người còn bảo tôi hát để làm gì, có ai nghe những bài hát đó nữa đâu. Lãng phí thời gian quá. Nhưng tôi vẫn cứ thích học làn điệu Sli của dân tộc mình mà không giải thích được vì sao”- cô Ven nhấn mạnh.

…thành “nghệ nhân Sli xứ Lạng”

Vốn yêu thích và ham mê hát sli từ nhỏ nên khi lớn lên, những phong trào văn hoá văn nghệ của làng, của xã cô Ven đều hăng hái tham gia. Dần dần, làng trên xóm dưới đều biết tiếng cô Ven nhiệt tình, hát hay. Cũng nhờ đó, năm 1999, tỉnh Lạng Sơn tổ chức “Hội thi Liên hoan dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn”, xã Thuỵ Hùng đã chọn cử cô Ven tham gia hội thi. Ngay từ vòng thi cấp huyện, cô Ven đạt giải A, và là 1 trong 5 tiết mục được chọn đi thi ở tỉnh. Nhờ chất giọng vừa cao vừa mượt mà khi thể hiện điệu sli xứ Lạng nên cô đạt Huy chương vàng của cuộc thi cấp tỉnh. Cô Ven nhớ lại: “Khi thấy tên mình được xướng lên đạt giải cao nhất, tôi hạnh phúc vô cùng. Lúc đó tôi nghĩ, thế là làng mình, xã mình được tiếng rồi... Điệu Sli quê mình hay lắm chứ...”.

Từ giải thưởng này, giới yêu dân ca và văn nghệ sĩ tỉnh Lạng Sơn thường quen gọi cô Ven với cái tên “nghệ nhân sli xứ Lạng”. Cũng từ đó, hằng năm, vào các dịp lễ hội, các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh cô thường xuyên được mời hát sli xứ Lạng. Đặc biệt, Tết Trung thu năm 2000, cô được mời tham gia giao lưu văn nghệ tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Càng đi hát nhiều nơi, cô Ven càng nghĩ, bản thân các điệu sli là một kho tàng văn hóa vô giá của người Nùng. Do đó, “là người con của dân tộc Nùng, tôi cần phải giữ làn điệu này để khi đi giao lưu văn nghệ ở đâu, có thể đứng lên hát, giới thiệu quê mình mà không phải mượn một bài hát ở vùng khác. Tuy nhiên, nếu đi đâu cũng cứ mãi hát mấy bài cổ truyền sẽ đơn điệu, đồng bào dễ chán”.

Vì thế, trong những năm qua, cô Ven đã sáng tác hàng chục bài sli mới cho phù hợp với điều kiện xã hội đương đại. Chẳng hạn như các chủ đề: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về quê hương, về sự thay da đổi thịt của đất nước, rồi cả về phòng chống các tệ nạn xã hội, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS,…

Không những thế, vì lời bài hát sli thường là bằng tiếng địa phương nên khi tham gia diễn văn nghệ cho nhiều dân tộc khác nhau cùng nghe, cô Ven thường có sáng kiến giới thiệu nội dung bài hát bằng tiếng phổ thông trước, sau đó mới biểu diễn. Và, bí quyết là: “Khi hát phải bình tĩnh, thể hiện tâm trạng đúng với nội dung bài hát thì mới thể hiện hết được cái mượt mà, đằm thắm của làn điệu”. Không những thế, kinh nghiệm của cô Ven cho thấy: “Cái khó để hát sli hay, ngoài chất giọng tốt, phải tập trung, phải biết luyến láy. Nó luôn luôn có 2 câu, một câu luôn lên bổng, câu kia lại phải xuống trầm. Phải có sự cảm thụ văn bản, có cách thể hiện và làm sao để bài hát đó dễ đi vào lòng người nhất”.

Ví dụ, câu bổng là: “dỉ mầy ứ à, ti hới ới.../ Bưn ching, pi mới hỏi tò sàm ơi ới” (Nghĩa là: Bạn bè ơi, ơi bạn bè/ Đầu xuân năm mới về gặp nhau)

Còn câu trầm sẽ là: “Mì lăng đổi mới đảy tò tham” (Nghĩa là: Năm mới có gì vui, thì chia sẻ với nhau).

Trong lời sli có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Do đó, dù trong lời hát là cây cối, trăng sao, năm, tháng... nhưng cuối cùng vẫn để nói về tình cảm, tâm trạng và nguyện vọng của con người. Và, hát sli không cần nhạc cụ đệm, vũ đạo đi kèm và có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng hát.

Trong bài “Sli mùa xuân”, có đoạn “… bưn ching pi mấư cỏ vìn sinh/ mọi cần hun hỉ mừng khay sân/ kin nèn quá dá phạ lìn tảu/ cụ ní làu dàng công ní tinh/ đung phia mảy mác bâu tâng slấng/ nộc dú chang lằng păn tói bân…”

Ý nghĩa đoạn này là: “… đón xuân năm mới được vui xuân/ ngày xuân năm mới được vui hội/ xuân đến hoa đua nở khắp rừng/ chim én thành đôi lượn cánh đồng…”.

Với hát sli, cô Ven cho rằng, khi hát được đệm sáo sẽ rất tuyệt vời. Và, không khí biểu diễn, khả năng truyền cảm sẽ tốt hơn nếu kết hợp với trang phục là áo tràm, quần sa-tanh, giày nhung, vấn khăn, vòng cổ....

Và những mong ước…

Cô Ven hay học lỏm hát Sli ngày xưa, “nghệ nhân sli xứ Lạng” ngày nay đã có chồng và 2 con khôn lớn, đều chăm ngoan học giỏi. Và, niềm vui lớn là bây giờ cả nhà cô Ven cũng ngấm và mê làn điệu này. Cô Ven bảo: “Hai đứa con mình đều biết hát nhiều bài cổ truyền của người Nùng mình đấy”. Bé Huệ, con út của cô Ven (năm nay học lớp 11), được mẹ dạy hát sli từ nhỏ. Hiện tại, Huệ đang theo học đàn tính và rất giỏi hát Then.

- “Tại sao không dạy Huệ hát sli như mẹ?” – Tôi hỏi. Cô Ven bảo: “Sở thích của cháu là đàn tính và hát then mà… Tôi không bắt con phải theo ý mình. Chỉ cần các cháu biết trân trọng vốn cổ của cha ông mà gìn giữ nó là mừng rồi”.

Khi hỏi về mong ước tương lai, cô Ven cười, bảo: “Tôi chỉ mong sao thế hệ trẻ không quay lưng với văn hóa gốc của dân tộc mình. Hiện nay, thế hệ trẻ “kinh hóa” nhiều quá. Những người đi trước nên giáo dục nhận thức cho các cháu và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Tôi ao ước có điều kiện mở lớp dạy đàn hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình cho lớp trẻ. Hiện tại, tôi là Hội viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn (thuộc Trung tâm Văn hóa Tỉnh), ngoài việc đi biểu diễn, làm giám khảo các cuộc thi, dạy hát sli nhiều nơi trong tỉnh, cứ thứ 7, Chủ nhật hằng tuần tôi dành thời gian dạy các con học đàn, hát sli và các làn điệu khác”./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét